Đi xe máy không dễ
Đi xe máy không dễ, 264, Chuyên trang Xe Máy của MuaBanNhanh, Uyên Vũ, cộng đồng mạng xã hội Xe Máy MuaBanNhanh chia sẻ, kinh doanh, 18/03/2016 16:57:40
Đi xe máy không dễ
Không ít người tin rằng, đi xe máy còn dễ hơn cả xe đạp. Bởi xe máy chắc, bánh to nên dễ cân bằng, và vì hầu hết người học lái xe máy đã biết đi xe đạp nên việc giữ cân bằng không còn là vấn đề. Trong khi đó chân luôn để ở tư thế thoải mái, không phải đạp.
Nếu quan niệm rằng lái xe chỉ đơn giản là biết mở khóa điện, đề khởi động, vào số, vít ga, phanh, đánh lái thì có lẽ việc học lái chưa cần đến 3 phút. Nhưng nếu muốn đạt tới tầm kiểm soát tốc độ chủ động, linh hoạt thì phải cần đến nhiều năm rèn luyện với thái độ nghiêm túc mới có thể đạt được.
Làm quen với tay ga
Công suất động cơ tăng theo góc vít ga. Máy gầm lên nếu vặn nhanh và mạnh. Nếu xe đã vào số 1, nó sẽ chồm lên khiến người điều khiển giật mình. Vì thế, việc học ga nên được bắt đầu từ thao tác nguội, khi chưa nổ máy nhằm làm quen với độ nặng của tay ga trên từng loại xe, rồi mới tiến hành khởi động nóng tại chỗ. Chuyển số về Mo, nổ máy, lặp lại thao tác vít ga để cảm nhận mối tương quan giữa lực vặn, góc xoay với công suất động cơ. Bước cuối cùng là luyện tập thực tế, kinh nghiệm cho thấy, khi gài số cao (số 4 hoặc 3), công suất động cơ và tốc độ xe tăng chậm hơn số thấp (số 2 hoặc 1) tránh được hiện tượng xe chồm.
Kết hợp phanh đồng thời bằng cả tay và chân
Thói quen chỉ dùng phanh trước ở người mới lái không hiếm, đặc biệt ở nữ giới. Đó là dấu ấn của thói quen đi xe đạp. Dùng phanh tay không xấu, thậm chí còn rất hiệu quả nhưng không tận dụng được khả năng phanh tối đa, đồng thời dễ bị ngã vì mất cân bằng.
Giai đoạn đầu mới tập, người chưa quen thường mất thời gian suy nghĩ chân phanh ở bên trái hay bên phải? Ngay cả khi đã chọn, họ cũng mất thời gian để đưa chân vào vị trí đạp.
Khẩu khuyết ở đây là “tay nào, chân ấy”. Cả phanh tay và phanh chân đều được bố trí bên phải là bên thuận của hầu hết mọi người. Hãy đừng chờ tới lúc đạp phanh mới điều chỉnh chân. Ngay từ khi ngồi lên xe, bạn đã cần đặt chân vào tư thế sẵn sàng phanh. Tác dụng lực đủ để cảm nhận của sự hiện diện của nó.
Không chỉ lúc cần mới đạp phanh, trong quá trình luyện tập, hãy thường xuyên quan tâm tới nó. Tưởng tượng quá trình phối hợp tay chân khi phanh. Bạn sẽ thấy bất ngờ về về khả năng thao tác của bản thân.
Phanh gấp thường kèm theo hiện tượng chúi đầu về phía trước, nếu không sẵn sàng sẽ rất dễ đổ xe hoặc mất lái. Vì vậy khi phanh cần giữ cả xe và thân ở tư thế đứng, hai cánh tay trong tư thế chịu lực.
Lái xe bằng thân
Điều này có vẻ là nghịch lý, nhưng đó là thực tế. Đánh lái bằng tay có vẻ khá dễ ở tốc độ thấp, không hề đơn giản khi chạy nhanh bởi mọi khối lượng đều có xu hướng chuyển động theo quán tính. Cơ thể thay đổi vị trí, hướng chuyển động của xe sẽ thay đổi theo. Bạn sẽ nhận thấy xe rất khó lái nếu người ngồi sau lắc lư.
Lựa tầm quan sát theo tốc độ
Khi thói quen chưa nhuần nhuyễn, người học lái thường chú tâm nhiều vào xe, mà qua việc quan sát hoặc chỉ chú ý trong phạm vi gần, phản ứng chậm không bắt kịp diễn biến của tình huống. Để các thao tác không lệ thuộc vào mắt, điều quan trọng bạn cần cảm nhận vị trí điều khiển (tay phanh, chân phanh, cần số, tay côn…) và di chuyển về trạng thái sẵn sàng khi cần thiết.
Tá hỏa với cách đi xe máy số như xe ga của chị em
Vận hành xe không lên hoặc về số, chỉ sử dụng một phanh. Đó là những thói quen tai hại của chị em khi đi xe máy số.
Tá hỏa với cách đi xe máy số như xe ga của chị em
Đi xe số như xe tay ga
Một lỗi cơ bản mà rất nhiều chị em mắc phải là không về số khi dừng đỗ tạm thời (như khi dừng đèn đỏ) hoặc điều khiển xe với tốc độ cực thấp nhưng vẫn để số cao. Với cách đi xe như trên, xe của chị em sẽ bị hao xăng nhiều hơn, và động cơ cũng bị “tổn thọ” do luôn phải gồng mình hoạt động trong tình trạng máy yếu, ì.
Chị Nguyễn Hương Giang (Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai, Hà Nội) cho biết: “Thực ra là không phải không biết cách đi. Nhưng nhiều khi đi giày cao gót, lúc đi vào số rất khó. Thế là cứ đề máy, cài số 3 rồi cứ thế đi như xe ga. Mình vẫn thấy đi được dù chả biết máy có bị nhanh hỏng không”.
Chị Lê Thị Huyền (Nhân Chính, Hà Nội) đã gắn bó với chiếc Wave Alpha của mình được 2 năm, nhưng đến tận bây giờ, chị vẫn thú thực là chưa biết đi xe thế nào cho “nuột”. “Hôm rồi có việc xuống tận dưới đê Thanh Trì. Đoạn dẫn lên đê có con dốc khá cao. Xe mình đến lưng dốc thì không lên nổi nữa dù cố ga. Có anh đi bên cạnh bảo chị phải về số thấp thì mới lên được dốc. Lúc đó mình mới biết là đi lên dốc thì phải như vậy” - chị Huyền kể.
Cách đi xe như chị Giang, chị Huyền cũng là cách đi xe của không ít chị em. Đôi khi họ không hiểu nguyên lý vận hành của xe máy số hoặc nghĩ chủ quan nên xe nhanh “tã” máy, động cơ yếu, nhông xích nhanh hỏng.
Chị em chỉ cần nhanh mắt để í các bảng đồng hồ công tơ mét của xe, nhà sản xuất thường chỉ định rõ ràng tốc độ hợp lý nhất. Ví dụ trong khoảng từ số 1 đến số 2, tốc độ là 20 km/h; từ số 2 đến 3, tốc độ là 20-40 km/h; từ số 3 đến 4 dành cho tốc độ 40-60 km/h.
Bên cạnh đó, mỗi cấp số lại cung cấp một lực kéo khác nhau. Do đó, xe chịu tải càng nặng hoặc dốc càng cao thì càng phải đi số thấp.
Chỉ dùng một phanh
Nhiều chị em phụ nữ khi vận hành xe số thường chỉ dùng một phanh. Chị em nên nhớ rằng tất cả những chiếc xe máy khi sản xuất ra đều được trang bị 2 phanh cho 2 bánh trước/sau để đảm bảo an toàn.
Thêm nữa, nhiều chị em do thói quen sử dụng tay phải nên đi xe số mà không phanh chân, chỉ dùng phanh tay. Lại có chị em chỉ dùng phanh chân mà “bỏ quên” luôn phanh tay. Điều này là hoàn toàn bất hợp lý.
Chị Trịnh Thị Thường (Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay: “Em lái xe là do đi nhiều thành quen thôi. Chứ nếu có đi không đúng thì cũng không ai biết mình đi thế nào mà nhắc nhở. Từ trước đến nay em chỉ đạp phanh chân, không quen dùng phanh tay vì sợ bị ngã. Đến nỗi xe của em phanh tay lâu không dùng giờ cứng lại không bóp được nữa”.
Không thiếu những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi xe gặp trường hợp nguy cấp mà chỉ sử dụng một phanh trước/sau. Nếu chỉ sử dụng phanh trước, nguy cơ bị trượt bánh trước và ngã rất dễ xảy ra. Chướng ngại vật đối diện có thể may mắn thoát nạn nhưng bạn và chiếc xe sẽ gặp nguy hiểm vì kiểu phanh bằng “cả người và xe” này.
Còn nếu sử dụng chỉ phanh sau, sẽ có nguy cơ chiếc xe bị văng, trượt và bắn ra xa. Trong cả hai trường hợp, nếu may mắn xe không bị lật, đổ thì bạn cũng mất một quãng đường phanh dài cho tới khi chiếc xe dừng hẳn lại. Cách tốt nhất phanh đồng thời cả hai phanh trước/sau theo nguyên tắc để phanh sau bám trước rồi mới bóp phanh trước.
Sai lầm phổ biến của người mới biết đi xe máy
Lái xe máy một cách an toàn không phải là một việc dễ dàng với những người mới biết lái vì họ thường mắc phải những sai lầm dưới đây.
Sai lầm phổ biến của người mới biết đi xe máy
1. Không luyện tập, không có bằng lái xe:
Có một số người ngay từ lần đầu ngồi lên xe đã có thể nắm được cách điều khiển và bắt đầu tham gia giao thông ngay lập tức. Đây là một hành vi cực kỳ nguy hiểm, vì biết đi xe máy không đồng nghĩa với việc làm chủ hoàn toàn chiếc xe, và có thể dễ dàng gây tai nạn trong những trường hợp bất ngờ trên đường.
Trong khi đó, hiện nay vẫn còn rất nhiều người hàng ngày lái xe máy ngoài đường mà không có giấy phép lái xe và cho rằng "không có bằng cũng chẳng sao". Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì về cơ bản, việc điều khiển xe máy không có bằng là vi phạm pháp luật, và sẽ bị xử phạt rất nặng nếu trường hợp tai nạn xảy ra.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 205 - Bộ luật Hình sự: “Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”.
2. Lái xe quá mạnh:
Ngay cả những người chơi xe PKL cũng phải có một thời kỳ sử dụng các mẫu xe với dung tích nhỏ hơn và nâng cấp dần để có thể học cách điều khiển và làm chủ sức mạnh của xe một cách tối đa, chính vì vậy, bạn không nên "liều mạng" và sử dụng những chiếc xe công suất lớn ngay sau khi mới học lái xe và có bằng lái. Người lái thiếu kinh nghiệm trên những chiếc xe mạnh mẽ có thể trở thành những "mối hiểm hoạ" trên đường vì họ có thể mất kiểm soát chiếc xe bất kỳ lúc nào.
3. Vượt quá các giới hạn:
Những người mới biết đi xe máy, đặc biệt là các thanh niên trẻ thường không biết "tự lượng sức mình" và cố gắng thực hiện những điều mà họ khó có khả năng làm được với chiếc xe, chẳng hạn như phóng nhanh, vượt ẩu, luồn lách giữa dòng phương tiện ở tốc độ cao, đổ đèo hay thậm chí là bốc đầu... Họ có thể dễ dàng gây tai nạn cho chính mình và những người xung quanh, đơn giản vì họ chưa có đủ kinh nghiệm cầm lái để có thể thực hiện những điều này.
Lái xe không phải một bản năng tự nhiên. Ngay cả những kỹ thuật lái xe đơn giản nhất cũng cần phải được học và luyện tập liên tục để người lái có thể thực hiện chúng một cách tự nhiên nhất. Chính vì vậy, hãy học một kỹ năng một lúc, và chắc chắn rằng bạn đã nắm chắc được nó trước khu "thử sức" với các kỹ năng khác.
4. Không nắm được luật và các tình huống giao thông:
Các bác sĩ thường có câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh", và điều này cũng có thể áp dụng khi tham gia giao thông. Luôn nắm chắc và tuân thủ luật để an toàn trên đường rõ ràng tốt hơn so với việc bị bắt buộc phải xử lý trong các tình huống nguy hiểm.Tuy nhiên, rất nhiều người hiện nay học luật chỉ để nhằm đối phó với bài kiểm tra khi thi lấy bằng lái xe.
Khi đang lái xe, con đường trước mặt có thể ẩn chứa những cái "bẫy" nguy hiểm đối với người lái như những tài xế lái ẩu, các bề mặt đường khác nhau, những chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện,... Ngoài việc học cách lái xe, các biker mới cần phải nắm chắc được luật giao thông, đồng thời học cả cách nhận biết và đối phó với những tình huống trên đường.
5. Lái xe một tay, các ngón tay không đặt trên cần phanh/côn.
Sự nguy hiểm của việc lái xe một tay đã quá rõ ràng, khi hành động này khiến người lái không kịp đối phó khi gặp trường hợp bất ngờ trên đường. Trong khi đó, việc giữ các ngón tay trên cần phanh/côn sẽ giúp giảm thời gian xử lý trước những tình huống khẩn cấp. Trong những tình huống này, việc phản ứng chỉ nhanh hơn vài phần của một giây cũng có thể quyết định tới sự an toàn trên mạng.
6. Dừng trau dồi các kỹ năng lái xe:
Sau một thời gian cầm lái, nhiều người thường lầm tưởng rằng họ đã biết hết tất cả các kỹ năng lái, có thể đối phó với những tình huống giao thông và bắt đầu dừng trau dồi, học hỏi các kỹ năng lái xe. Đây chính là lúc họ bắt đầu mắc phải các lỗi trên đường và gặp tai nạn vì chúng.
Đi xe máy không dễ, 264, Chuyên trang Xe Máy của MuaBanNhanh, Uyên Vũ, cộng đồng mạng xã hội Xe Máy MuaBanNhanh chia sẻ, kinh doanh, 18/03/2016 16:57:40