Chọn xe máy nào để đi phượt?
Chọn xe máy nào để đi phượt?, 247, Chuyên trang Xe Máy của MuaBanNhanh, Uyên Vũ, cộng đồng mạng xã hội Xe Máy MuaBanNhanh chia sẻ, kinh doanh, 18/03/2016 11:59:47
Chọn xe máy nào để đi phượt?
1. Xe số, xe côn tay hay xe ga?
- Xe ga:
Ưu điểm: cốp để đồ rộng, dễ điều khiển, ít bị vấy nước bẩn lên chân khi đi qua các vũng nước trên đường.
Nhược điểm: Sử dụng dây cu-roa và hộp số vô cấp nên khả năng leo đèo dốc khá yếu, người sử dụng không thể chủ động tăng giảm số của xe. Bảo dưỡng phức tạp hơn xe số, chi phí bảo dưỡng cao.
- Xe số:
Ưu điểm: có thể chủ động tăng giảm số khi cần thiết. Bảo dưỡng dễ dàng.
Nhược điểm: Đa số các xe số đều có cốp nhỏ, thiết kế dễ bị bắn bẩn hơn xe ga. Vì sử dụng điện bình nên đèn của xe số phụ thuộc vào ga, ga càng mạnh đèn càng sáng, trong khi xe tay ga thì đèn luôn sáng đều, ngay cả khi không nổ máy.
- Xe côn tay:
Ưu điểm: chủ động tăng giảm số và can thiệp vào ly hợp bằng tay côn, nhờ đó có thể thực hiện các kỹ thuật vê côn và ngắt côn trong khi chạy. Thật ra thì xe số cũng có thể ngắt côn bằng phương pháp dậm cần số, nhưng xét cho cùng thì kỹ thuật này chỉ mang đến cảm giác "phiêu" cho người lái chứ không có tác dụng gì nhiều, trong một số tình huống lại có thể gây nguy hiểm cho người lái.
Các dòng xe côn tay underbone như Exciter, FX, Raider... tương đối giống với xe số, chỉ khác là bộ ly hợp được đóng/ngắt bằng tay, trong khi dòng xe số thì chuyển số bằng chân, ly hợp tự đóng thông qua bộ nồi (côn) trước.
Một ưu điểm của dòng xe côn tay có bình xăng phía trước đó là khả năng chứa được rất nhiều xăng. Trung bình các xe motor có thể chứa được 7-12 lít xăng, đủ để có thể thực hiện một hành trình dài. Tuy vậy, với mức tiêu thụ xăng lớn hơn dòng xe số thì tính ra cũng tương đương nhau.
Nhược điểm: Dòng xe côn tay đa phần không có cốp hoặc cốp rất nhỏ. Do vậy để có thể đem được nhiều đồ thì bạn phải gắn thêm túi, hoặc bỏ vào balo và ràng ở phía sau xe. Ngoài ra, vì kỹ thuật lái phức tạp hơn 2 dòng xe kia nên nếu vì lý do gì đó mà bạn không thể lái xe được, trong khi bạn đồng hành của bạn chưa từng lái xe côn tay thì thật là thảm họa! Lúc ấy, có thể là người kia sẽ lái xe theo kiểu "giựt giựt", hoặc là bốc đầu xe cũng nên!
2. Honda, Yamaha hay Suzuki?
Dù thị trường có vài hãng xe khác, nhưng nhìn chung 3 hãng xe nói trên là 3 hãng chiếm thị phần nhiều nhất, với nhiều dòng xe phổ biến tại thị trường Việt Nam. Dưới đây là một số đánh giá của Quang về từng hãng:
Honda: Tiết kiệm nhiên liệu, phụ tùng rẻ và dễ kiếm, nếu không có phụ tùng hãng thì có thể sử dụng phụ tùng "hàng chợ".
Yamaha: Chạy bốc, tiêu thụ nhiên liệu hơi cao hơn so với Honda, phụ tùng khá mắc và chỉ có hàng hãng.
Suzuki: Chạy đầm, tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên phụ tùng mắc và nhiều khi không có hàng.
Nếu chỉ xét về độ phổ biến của phụ tùng thì Honda là sự lựa chọn hàng đầu cho bạn, Yamaha xếp tiếp theo, và cuối cùng là Suzuki.
3. Những chiếc xe cổ, motor xịn?
Quang đã từng thấy nhiều đoàn đi phượt bằng xe Minsk, Honda 67, Vespa..v..v... Những chiếc xe này có thể gọi là xe "ông cụ" bởi tuổi đời khá cao của chúng. Già cỗi như vậy nên dù cho chúng có được tân trang đến mức nào thì chúng vẫn không tránh khỏi hỏng hóc trên đường đi. Vì xe hiếm, xe cổ nên phụ tùng thay thế rất hiếm, và nhiều trường hợp đã phải khóc tiếng Mán giữa đường phượt bởi không thể sửa được. Vậy nên bạn mới thấy những đoàn xe Minsk bao giờ cũng có một xe chở theo thùng đồ nghề là vì vậy.
Với những dòng xe motor, bạn có thể nghĩ rằng xe motor mắc tiền thì đi phượt sướng lắm, chẳng lo hỏng hóc. Thật ra thì motor cũng hỏng, và khi motor đã hỏng thì ... "cười ra nước mắt" luôn, bởi vì thợ dọc đường không đủ trình độ sửa motor, đồng thời phụ tùng cho motor rất ít chỗ bán. Có lần, một chiếc CBR600 trong một đoàn motor xuyên Việt bị ... đứt xích, báo hại cả đoàn phải ở lại Quảng Bình 1 ngày để chờ sợi xích được gửi hỏa tốc từ Sài Gòn ra!
4. Chọn xe nào?
Tùy theo sở thích và nhu cầu mà bạn có thể chọn ra chiếc xe phù hợp cho bạn, miến là chiếc xe đó đang trong tình trạng hoạt động tốt, được bạn bảo dưỡng kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi là được.
Thật ra thì chính những dòng xe phổ thông, dễ chạy dễ sửa như Dream, Wave, Sirius, Future, Viva... lại chính là những chiếc xe đi phượt tốt nhất. Bởi vì nếu có hỏng hóc thì bạn rất dễ tự sửa hoặc kiếm chỗ sửa giúp, đồng thời nếu xế không thể lái được thì ôm có thể lái phụ. Ngoài ra, những chiếc xe này có mức "ăn uống" xăng vừa phải, nên sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí.
Tóm lại, dù chiến mã của bạn là gì, hãy bảo dưỡng nó kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi và tận hưởng hành trình của bạn. Quan trọng là bạn đang đi và cảm thấy thế nào chứ không phải là bạn đang đi bằng cái gì!
Những thứ cần "độ" cho xe máy đi phượt
Về cơ bản thì xe nào đi phượt cũng được, xe tàng đến gần vứt đi cũng có thể đi được... Nhưng chuyến đi sẽ ít sự cố hơn nếu bạn "độ" cho chiếc xe mình một số bộ phận sau.
Những thứ cần "độ" cho xe máy đi phượt
1. Công tắc đèn passing
Đi phượt thì quan trọng nhất là đèn passing để có thể xin vượt, báo hiệu cho xe phía trước. Chi phí độ đèn passing chỉ khoảng 130,000VND và có thể thực hiện ở bất kỳ tiệm nào chuyên về điện xe máy.
2. Bugi Iridium
Bugi Iridium có độ bền cao gấp 8-10 lần, và có thể hoạt động ở mức nhiệt cao gấp 3 lần so với bugi thường (nickel) nên khi xe hoạt động trong một thời gian dài thì sẽ không xảy ra hiện tượng cháy bugi. Đồng thời, bugi Iridium đánh lửa đều và nhạy hơn nên xe sẽ dễ nổ, ít hao xăng và hoạt động hết khả năng của động cơ. Nếu sử dụng bugi Iridium thì hãy nhớ thay bugi sau mỗi 60,000km nhé.
3. Nhớt tổng hợp (fully synthetic)
Nhớt tổng hợp có độ bền và dải nhiệt hoạt động cao gấp 3 lần so với nhớt khoáng, cộng với tính năng bôi trơn hoàn hảo và khả năng chống oxy hóa, chống đóng cặn... nên nhớt tổng hợp là lựa chọn hoàn hảo cho chuyến đi của bạn.
4. Vỏ không ruột (tubeless)
Vỏ không ruột có thành vỏ (talong) cứng nên khi bị thủng vẫn có thể chạy tiếp một quãng đường, tránh được những rủi ro do bể bánh. Tuy vậy, vỏ không ruột và mâm đúc nếu đi trên đường nhiều ổ gà thì sẽ không êm bằng xe đi bánh căm và vỏ có ruột.
Chi phí vỏ không ruột hiện nay không quá cao, chỉ tầm 700 nghìn cho một cặp vỏ, cao hơn vỏ có ruột một ít. Nếu xe bạn đang xài mâm đúc thì hãy tìm hiểu thêm để lắp cho xế yêu một cặp vỏ ưng ý nhé.
Trên đây là một số thứ mà bạn có thể "độ" cho chiến mã của bạn để hành trình chinh phục của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Chọn loại nhớt nào cho xe máy đi phượt?
Với xe máy đi phượt thì ngoài việc phải được bảo dưỡng các bộ phận, xe còn phải được sử dụng đúng loại nhớt phù hợp để đảm bảo động cơ hoạt động bền bỉ và không bị hư hỏng trong suốt hành trình. Bài viết này sẽ giúp các bạn lựa chọn được loại nhớt phù hợp cho xế yêu của bạn trên hành trình đi phượt nhé.
Chọn loại nhớt nào cho xe máy đi phượt?
1. Tại sao cần sử dụng đúng loại nhớt?
Nhớt được ví như máu để nuôi trái tim là động cơ xe máy. Động cơ xe máy và bất cứ loại động cơ nào khi hoạt động cũng đều sinh ra ma sát. Lực ma sát này nếu không được giảm bớt thì sẽ khiến động cơ quá nhiệt, khi quá nhiệt thì piston và thành động cơ sẽ dính chặt vào nhau (hiện tượng này gọi là lúp-pê), hoặc nếu không bị lúp-pê thì việc các chi tiết kim loại ma sát với nhau cũng sẽ khiến động cơ bị hao mòn, dẫn đến hư hỏng. Động cơ nếu bị hư hỏng sẽ phát ra nhiều tiếng động lạ, hoặc xì khói trắng, hoặc xì khói đen.
Để bôi trơn, giảm ma sát, và tản nhiệt cho động cơ thì giải pháp duy nhất đó là sử dụng dầu nhớt. Nhờ đặc tính bôi trơn nên dầu nhớt sẽ giúp các chi tiết trong động cơ hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp, giảm bớt lực ma sát khi các chi tiết này tiếp xúc với nhau. Ngoài ra, vì dầu nhớt lỏng và luân chuyển liên tục trong động cơ nên sẽ giúp nhiệt độ động cơ được dàn trải đều, tránh hiện tượng quá nhiệt.
2. Các thành phần trong dầu nhớt
Dầu khoáng: Là loại dầu có tính bôi trơn cao, được hình thành trong quá trình lọc dầu.
Phụ gia: Gồm nhiều chất hóa học có tác dụng tăng cường bôi trơn, giảm nhiệt, làm sạch các chi tiết máy, chống đóng cặn, chống oxy hóa. Loại nhớt nào càng có nhiều phụ gia thì sẽ càng đắt tiền.
3. Phân biệt các loại nhớt trên thị trường
Trên thị trường hiện nay, có thể phân ra 4 dòng dầu nhớt:
Dòng nhớt giả/dỏm: Các loại nhớt này được chế biến bằng cách tái chế nhớt thải (lọc, lắng, nấu lại) sau đó cho vào chai nhớt chính hãng hoặc đóng chai với một nhãn hiệu nào đó nhái theo các loại nhớt ăn khách trên thị trường. Nhớt bị giả nhiều nhất hiện nay là Castrol nên nếu bạn có sử dụng loại nhớt này thì phải xem thật kỹ chai và nhãn.
Giá thành: Nhớt giả thì bán theo giá nhớt thật, nhớt dỏm thì tầm 40-50 nghìn.
Số km đi được: Tầm 500km là muốn vứt xe rồi!
Dòng nhớt khoáng (Mineral): Các loại nhớt khoáng rẻ tiền do Petrolimex, BP và một số công ty dầu nhờn khác sản xuất. Dầu gốc khoáng là dầu được chưng cất từ dầu mỏ (hay còn gọi là dầu thô) công nghệ sản xuất dầu đơn giản, giá thành rẻ sau khi đã tách ra các thành phần không mong muốn được đem trộn lẫn với các chất phụ gia để tạo thành dầu nhớt. Các loại nhớt khoáng này có ít chất phụ gia nên hiệu quả bôi trơn chỉ ở mức chấp nhận được. Một số loại nhớt khoáng phổ biến có thể kể đến là Vistra 300, Shell AX3.
Giá thành: dao động từ 50-70 nghìn.
Số km đi được: 1,500-2000km.
Dòng nhớt bán tổng hợp (Semi-synthetic): Dòng nhớt này gồm nhớt khoáng và phụ gia, hiệu quả bôi trơn cao hơn nhớt khoáng và đồng thời giá cũng cao hơn. Một số loại nhớt bán tổng hợp phổ biến là Motul Silver, Motul Gold, Havoline Super 4T.
Giá thành: dao động từ 70-100 nghìn.
Số km đi được: 2000-3000km.
Dòng nhớt tổng hợp (Fully synthetic): Đây là loại nhớt "đỉnh của đỉnh" vì được tổng hợp hoàn toàn với lượng phụ gia rất cao. Dầu nhớt tổng hợp là sản phẩm của quá trình chế biến hóa học nhằm mục đích tạo ra sản phẩm nhớt có thành phần đồng đều đêr tạo điều kiện cho các chất phụ gia phân tán đều trong dầu, giúp dầu nhớt có khả năng chịu được các điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn so với dầu gốc khoáng. Dầu nhớt tổng hợp rất bền với các tác nhân oxy hóa (do đó cho tuổi thọ dầu cao hơn), khoảng nhiệt độ làm việc rộng hơn (từ -55°C đến 320°C), chỉ số độ nhớt vượt trội (cho phép độ nhớt ít biến đổi ngay cả khi nhiệt độ làm việc thay đổi mạnh, vì vậy đảm bảo được quá trình bôi trơn), ít tiêu hao hơn ….Bên cạnh đó dầu nhớt tổng hợp còn có các ưu điểm khác là: không cháy, không hòa tan lẫn trong nước. Chính những ưu điểm này mà dầu nhớt tổng hợp ngày càng được sử dụng nhiều, nhất là trong các động cơ phản lực.
Giá của dầu nhớt tổng hợp có thể lên đến gấp ba lần so với dầu gốc khoáng. Tuy nhiên số km có thể sử dụng được của dầu nhớt tổng hợp cũng cao hơn nhiều so với sử dụng dầu gốc khoáng . Điều này là do dầu nhớt tổng hợp rất tinh khiết và có phân tử nhớt nhỏ hơn nên sẽ hoạt động tốt hơn, có thể bôi trơn ở những chi tiết máy có khoảng hở nhỏ nhất .
Các dòng nhớt tổng hợp phổ biến hiện nay trên thị trường là Motul Hi-Tech, Motul 300V, Shell Advance Ultra, Castrol Racing.
Giá thành: dao động từ 220 - 450 nghìn.
Số km đi được: Từ 4000-5000 km.
4. Loại nhớt nào phù hợp với xe của bạn?
Nếu xe bạn đã cũ, đã chạy trên 80,000 km thì nhớt khoáng là sự lựa chọn cho bạn. Vistra 300 hay Shell AX3 là những loại nhớt khá đặc, phù hợp với xe cũ vì xe cũ có độ hở giữa các chi tiết động cơ khá lớn.
Nếu xe bạn vẫn còn mới hoặc mới làm lại máy thì bạn có thể cân nhắc lựa chọn nhớt tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Nếu không có điều kiện thì bạn có thể chọn nhớt bán tổng hợp để sử dụng, còn nếu "chịu chơi" hơn thì nhớt tổng hợp là sự lựa chọn đúng đắn cho bạn.
Dựa trên số km đi được với giá thành thì nhớt tổng hợp không đắt hơn so với nhớt khoáng hay nhớt bán tổng hợp, vậy nên lời khuyên của Quang đó là bạn hãy sử dụng nhớt tổng hợp luôn đi, vừa bôi trơn tốt lại vừa đảm bảo khả năng bảo vệ động cơ. Thử tưởng tượng mà xem, nếu hành trình của bạn kéo dài lên đến 1000-2000km thì bạn đâu phải lúc nào cũng có điều kiện để dừng lại thay nhớt, và việc mang theo một chai nhớt cũng khá là bất tiện. Vậy nên trước hành trình bạn cứ đổ một chai nhớt tổng hợp thì sau đó cứ an tâm mà đi tới cùng trời cuối đất!
Chọn xe máy nào để đi phượt?, 247, Chuyên trang Xe Máy của MuaBanNhanh, Uyên Vũ, cộng đồng mạng xã hội Xe Máy MuaBanNhanh chia sẻ, kinh doanh, 18/03/2016 11:59:47